“Có những nỗi đau cậu phải tự mình kết thúc
Có những giọt nước mắt tự cậu phải lau khô
Có những nụ cười tự cậu phải tìm lại
Đó là khi cậu thực sự trưởng thành.”
CHƯƠNG 5: TRƯỞNG THÀNH – PHẦN 1
Nhật ký, ngày 27 tháng 3 năm 2017: Tốt nghiệp
Dù có mong chờ hay không thì lễ tốt nghiệp của bọn mình cũng đã diễn ra.
Cảm giác của mình lúc này như nào à?
Vui?
Không
Buồn?
Không
Nó trống rỗng!
Cuối cùng mình cũng hiểu ý nghĩa thật sự của tốt nghiệp là gì.
Là khi cậu nghĩ mình đã chạy về đích, nhưng người ta lại nói rằng cậu mới chỉ hoàn thành lượt chạy đầu tiên trong cuộc đua marathon dài bất tận của cuộc đời. Đường chạy này dài bao nhiêu, còn phụ thuộc vào việc “Sau hôm nay cậu sẽ làm gì?” – như câu hỏi Mei đưa ra trong bài phát biểu chia tay của cô ấy. Dĩ nhiên, với đám du học sinh như mình hay Mei, không sinh ra ở vạch đích, nên dù có chạy đến đích rồi, thì vẫn phải cắm đầu chạy tiếp, vì cái đích này, họ đã bỏ lại từ lâu!
Ở giây phút nhận tấm bằng tốt nghiệp, bỗng nhiên cậu sẽ thấy sợ hãi, bởi, cậu ý thức mạnh mẽ rằng từ mai, cậu chính thức phải trưởng thành!
Nhật ký, ngày 15 tháng 4 năm 2017: Khi tháng tư ở Nhật đến trong những áp lực và nỗi chơi vơi, cậu biết cuộc chiến Mùa tuyển dụng đã đến.
Đã hơn một tháng kể từ ngày mình cùng Mei bắt đầu tìm việc và rải hồ sơ cậu ạ.
Mục tiêu của Mei là xin việc trong một công ty thuộc lĩnh vực IT, để theo đuổi ước mơ tìm hoàng tử hacker mũ trắng cùng quốc tịch với cậu ấy (thực ra là cậu ấy rất thích mày mò về phần mềm, có ý định học thêm chuyên ngành, nhưng cứ phải tự hâm dở lý tưởng của mình lên như vậy).
Cách Mei nói chuyện, cách cậu ấy luôn tỏ ra lạc quan, có thể khiến mọi người nghĩ cậu ấy chỉ kể chuyện cho vui. Nhưng trong suốt 2 năm ngồi chung bàn với cậu ấy, mình biết, cậu ấy là người rất kiên trì với những mục tiêu đã đề ra.
Vậy mà hôm nay, cậu ấy đã quyết định nhận offer từ khách sạn APA. Công việc lễ tân đãi ngộ tốt, có thể là mong ước của nhiều du học sinh mới ra trường. Nhưng chỉ mình hiểu, cậu ấy chấp nhận công việc này, vì phải đầu hàng trước áp lực của thời gian. Sau khi tốt nghiệp, mẹ cậu ấy thường xuyên gọi, hỏi thăm cậu ấy thì ít, mà nhắc nhở việc bảo lãnh đưa em trai sang thì nhiều.
Mei nói: “Hiện thực đúng là chó má”. Mỗi lần say, cậu ấy thường sống thật như vậy.
Còn mình?
Vẫn là cái lý tưởng bao năm chưa thực hiện được thôi: FMCG (Jellyfish: FMCG – Fast-Moving Consumer Goods: Nhóm hàng tiêu dùng nhanh)
Mình có nên kiên trì theo đuổi ước mơ điên rồ này không?
Mình không biết.
Chỉ có một điều chắc chắn là, mình không muốn khi hè sang, tương lai vẫn chơi vơi và mơ hồ như này.
Nhật ký, ngày 12 tháng 6 năm 2017: Ngay cả phép màu cũng cần có thời gian!
Cậu tin được không? Chiếc email mình đã đợi từ rất lâu, cuối cùng cũng đến rồi.
Điều này thật điên rồ!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!
“Mẹ tôi luôn nói rằng cuộc sống giống như một hộp chocolate. Bạn sẽ không bao giờ biết bạn sắp sửa nhận được gì”. Forrest Gump nói vậy mà, đúng không?
Anh ấy cũng nói: “Mẹ tôi vẫn thường nói rằng phép màu vẫn xảy ra mỗi ngày. Một vài người không tin vào điều đó, nhưng nó vẫn có thật.”
Cậu biết đấy, mình không thích chocolate, mình cũng chưa từng tin vào phép màu. Nhưng ngay lúc này, thì mình đã tin. Cậu mở hộp chocolate ra và nhận được đúng vị mình yêu thích, đó chính là phép màu!
Nhưng ngay cả phép màu cũng cần có thời gian, phải không cậu?
Thật sự biết ơn vì chính mình đã không từ bỏ.
Hành trình mới sẽ bắt đầu, với mình.
Cố lên!!!
(Jellyfish: Forrest Gump là một bộ phim điện ảnh của Mỹ nói về cuộc đời của Forrest Gump. Nội dung của bộ phim trải dài xuyên suốt một thời kỳ lịch sử của nước Mỹ, về cuộc đời phi thường của Forrest Gump – một chàng trai với IQ vỏn vẹn 75, chưa đến ngưỡng trung bình của một người bình thường. Nhưng anh lại làm được những điều phi thường khiến ai cũng nể phục. Một bộ phim rất hay, bạn nên xem!)
Nhật ký, ngày 25 tháng 7 năm 2017: Tháng lương đầu tiên
Mei nói: Đi làm chẳng thấy gì vui, nhưng nhận lương thì lúc nào cũng vui =)))
Sau khi trưởng thành, Mei luôn đúng! (Ý mình là sau khi chính thức đi làm nhé cậu ^_^)
Ít nhất là, hôm nay, khi nhận được tháng lương đầu tiên, mình thấy …… vui như điên!!!
Những bước đi đầu tiên, mình đã mắc những lỗi sai ngờ nghệch ra sao. Mình đã thấy tự ti và áp lực về sự yếu kém kỹ năng biết bao nhiêu. Mình đã cố gắng đến nhường nào.
Chỉ mình mình biết.
Rồi mình cũng đã hiểu, thì ra, cũng như Mei, mình hay rất nhiều người ngoài kia vui khi nhận tháng lương đầu tiên, chẳng phải vì số tiền bọn mình kiếm được, mà là bởi những nỗ lực đã được đền đáp, và vì bọn mình thấy, có động lực cho tương lai.
Nhật ký, tháng 10 năm 2017: Khi điều bất ngờ đến
Ngày 6 tháng 10 năm 2017:
Dù mình có đang sống một cuộc sống đầy rẫy những nguyên tắc và khuôn khổ. Thì những điều bất ngờ vẫn đến. Như thông báo công tác nhận được chiều nay vậy.
Chuyến công tác đầu tiên: 5 ngày tại Việt Nam.
Mình có nên báo tin về nhà không đây?
Thôi vậy!
Lịch làm việc kín mít thế này …
……………
Ngày 16 tháng 10 năm 2017:
Bước xuống máy bay, cơn gió thu khẽ lướt qua, vương lại mùi hoa sữa, cậu bất chợt thấy rằng 4 năm 3 thật dài.
Và cậu chẳng thể ngăn được giọt nước mắt.
Hà Nội, chào cậu!
……………
Ngày 19 tháng 10 năm 2017:
Có một rắc rối thật sự!
Vai trò chính của mình trong chuyến công tác này là phiên dịch và hỗ trợ sếp đàm phán điều khoản hợp đồng. Chắc chắn là những nội dung sếp nói mình hiểu hoàn toàn. Nhưng rắc rối ở đây là mình không thể tìm được từ tiếng Việt phù hợp, để truyền tải lại cho đối tác một cách nhanh chóng.
Cảm giác này rất tệ!
Nó giống như mình là đứa phản quốc vậy!!!
………….
Ngày 20 tháng 10 năm 2017:
Hôm nay Hà Nội thật đẹp!
Phố phường ngập tràn hoa.
Sếp hỏi sao mấy hôm nay cũng đi qua cung đường này mà hôm nay bác mới thấy người ta bán hoa.
Mình phét lác bảo, hình như các chợ bán hoa hôm nay ế nên người ta xếp ra đường để mong bán nhanh hơn.
Thế là bác đòi dừng xe, mua ủng hộ =)))
Đưa đống hoa to đùng cho mình, bác bảo mang về phòng khách sạn mình để, với chia cho mấy bạn lễ tân khách sạn cũng được ^^
Không biết là bác đã phát hiện ra là mình bị lừa chưa nhỉ?
………….
Ngày 21 tháng 10 năm 2017:
Đêm cuối tại Hà Nội.
Lang thang phố cổ mua quà cho mọi người.
Gặp lại sếp Đạt, ừ thực ra là bạn đại học của mình, nhưng “phong thái ngút ngàn” nên cả lớp gọi cậu ấy là sếp.
Có những điều, chỉ có thể làm được trên mảnh đất quê hương mình. Ví dụ như, cậu sẽ cập nhật được tình hình cả lớp sau rất nhiều năm, chỉ bằng một tách cà phê!
Cậu ấy vẫn xứng đáng trong vai cây hài chính của K23A, vẫn rất tưng tửng và… rất sếp!
4 năm đại học ở Việt Nam có thể không cho mình một chuyên ngành mình yêu thích. Nhưng có một tuổi trẻ đầy rực rỡ và những người bạn chất lừ như vậy.
Không có gì để hối tiếc cả!
Nhật ký, ngày 11 tháng 11 năm 2017: Những chiếc mặt nạ
Ở Nhật hơn 4 năm, trải qua khá nhiều công việc làm thêm, và giờ là một công việc chính thức.
Mình đã học được rất nhiều quy tắc xã giao của người Nhật. À không, phải nói chính xác là mình buộc phải học. Vì mình đang sống tại Nhật, làm việc cho người Nhật, trong một công ty của Nhật.
Có nhiều điều chỉ nhìn một lần là nhớ và vận dụng được ngay. Nhưng cũng có những điều, mình có ở thêm 1 năm, 2 năm hay 5 năm nữa, chưa chắc mình đã học được. Ví dụ như Nụ cười và những chiếc mặt nạ của người Nhật.
Hiroko – cô bạn người Nhật gốc Kansai chính hiệu, đồng nghiệp của Mei, tuy có những trái ngược trong tính cách, nhưng có thể là vì Mei giỏi kết nối, cũng có thể là vì cơ chế bù trừ mà bọn mình đã trở thành bạn thân. Trong một lần nhậu say đã tự nhận mình là người anti nụ cười Nhật. Cậu ấy nói, người Nhật có thể cười để che giấu nỗi buồn, cười xã giao, kiểu cười riêng khi gặp đối tác làm ăn và cách cười khi gặp sếp của mình. Anh trai cậu ấy (như cậu ấy nói thì là một doanh nhân thành công tại Fukuoka) từng nói rằng chỉ có người Nhật nhìn người Nhật mới có thể biết được nụ cười trên khuôn mặt kia biểu thị cho niềm vui, nỗi buồn hay sự sợ hãi, tuyệt vọng. Nhưng cậu ấy cũng tự nhận mình chẳng thể đoán được điều gì đang thực sự xảy ra ẩn sau nụ cười mỉm trên những chiếc mặt nạ ấy.
Bọn mình đều mệt mòi vì điều này.
Mei hay Hiroko có thể còn đau khổ hơn mình, nhỉ? Vì hai cậu ấy làm trong ngành dịch vụ, ngày ngày gặp gỡ khách đến check in hay check out. Chính bản thân các cậu ấy cũng luôn phải giữ nụ cười công thức hóa suốt cả ngày. Nói như Mei thì là “cười đến liệt cả cơ miệng”!
Những chiếc mặt này này thì ngày nào chả gặp, nhưng hôm nay mình tự sự, mình tâm trạng!
Khi mình phải cong mông lên chạy kế hoạch cho dự án sếp giao, nhưng lại gặp người chị trưởng nhóm với nụ cười công nghiệp thường trực trên môi, nó sẽ như này:
Chị nhận kế hoạch từ 2 thành viên (dĩ nhiên 1 là của mình), chị xem rất chăm chú, chị nở nụ cười dễ mến như mọi ngày. Chị nói kế hoạch của cả 2 đều rất tốt, rất ấn tượng. Xong sau đó, chẳng còn sau đó nữa!
Cậu cũng chẳng biết mình làm chưa tốt ở đâu, mình cần cải thiện điều gì!!!
Bình tĩnh! Phải bình tĩnh!
Nhật ký, ngày 25 tháng 11 năm 2017: Lần đầu 合コン
(Jellyfish: 合コン – Goukon: là cách gọi buổi tiệc ăn uống được tổ chức cho một nhóm nam nữ muốn gặp gỡ giao lưu với nhau nhằm tìm kiếm những mối quan hệ mới)
Có vẻ việc tập trung quá nhiều công sức cho dự án mới tại công ty đã khiến mình mất tỉnh táo. Mơ mơ màng màng thế nào mà để Hiroko và Mei lôi kéo đi Goukon >< Cậu biết đấy, với một người thế giới quan tương đối bình thường như mình thì Goukon chỉ dành cho những đối tượng U40 (Hiroko nói như vậy là vặn vẹo chứ không phải bình thường ><)
Kinh khủng nhất ở đây là gì? Chính là Goukon lần đầu nhưng Hiroko lại là Kanji đằng gái!!! (Jellyfish: Kanji là quản lý, trong buổi Goukon thường có hai Kanji một nam một nữ, họ có nghĩa vụ đảm bảo cho số lượng nam và nữ trong nhóm bằng nhau)
Hiroko “chịu chơi” và “điên khùng” cỡ nào, vùng Kansai này nhiều người biết!
Vậy mới bảo, sống lâu ở Nhật thì càng phải biết cần “đề phòng” với mấy đứa bạn thân. Bị lừa lúc nào cũng không biết đấy!
Cũng may là chưa bị lừa đến Machikon!!! (Jellyfish: Machikon là hoạt động Goukon quy mô lớn được tổ chức trên đường phố với số lượng tham gia ít nhất cũng hơn 100 người)
Bài học rút ra:
Không bao giờ đi Goukon nữa
Hiroko và Mei là hai đứa điên
Cần nâng cao tinh thần cảnh giác
Nhật ký, ngày 24 tháng 12 năm 2017: Những món quà không có chủ nhân
Một trong những điều mình không thích nhất ở Nhật: sự đam mê tặng quà! Tặng quà bất chấp có dịp gì hay không!
Nhận quà thì đương nhiên là ai cũng vui. Nhưng nhận xong lại phải nghĩ nên mua gì tặng lại họ, rồi lại phải canh dịp thích hợp để tặng, thật phiền phức! (Với mình nhé!)
Thế nhưng việc làm mình sầu não nhất là dạo này, mình hay nhận được quà mà không biết chủ nhân là ai.
Thực ra là mình có thể vứt chúng vào một xó, rồi mặc kệ. Nhưng 2 lần găp gần đây, Hiroko đột nhiên rất hay kể về những vụ biến thái tại Nhật ….
Năm mới sắp đến, còn mình thì đang hết sức quan ngại về điều này!!!
Nhật ký, ngày 31 tháng 12 năm 2017: Nỗi cô đơn của người trưởng thành
Đêm giao thừa nhưng Mei và Hiroko thì đang phải tăng ca.
Thế là dù có thêm một người bạn thân, và rất nhiều người bạn xã giao khác, mình lại vẫn một mình trong thời khắc Nhật Bản bừng sáng này.
Điều an ủi duy nhất khi năm mới sang này là, cuối cùng, mình đã bỏ được nỗi lo “kẻ biến thái” xuống.
Chủ nhân của những món quà này cuối cùng đã chịu xuất hiện.
Tin nhắn chúc mừng năm mới. Masaki, anh chàng hoạt náo nhất “đằng trai” trong buổi Goukon.
Người như vậy mà chú ý đến mình, thật sự là không ngờ.
Nhắn mỗi 2 từ “cảm ơn” thì có cộc lốc quá không nhỉ?
Nhưng mình nhắn rồi. Kệ đi!
Xin chào các bạn!
Chuyên mục “Đừng khóc giữa Nhật Bản” do Jellyfish biên soạn từ cuốn Nhật ký được chia sẻ từ chị Ngô Thiên Thanh, gồm những trải nghiệm của chị trong hành trình 8 năm sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật.
Jellyfish hy vọng rằng chuyên mục mới này của chúng mình sẽ nhận được sự đón nhận của các bạn.
Là tân du học sinh, các bạn sẽ tìm được ở đâu đó trong những dòng Nhật ký này sự sẻ chia và động lực để bước qua khó khăn.
Là những bạn đang có dự định du học Nhật Bản, các bạn sẽ có được sự chuẩn bị tốt hơn để …. “Đừng khóc giữa Nhật Bản”.