Sau thời gian dài hạn chế nhập cảnh, Nhật Bản chuẩn bị mở cửa đón nhận du học sinh từ các nước đến để học tập. Đây cũng là lúc các bạn du học sinh cần chuẩn bị tư trang hành lý cho hành trính sắp tới tại đất nước mặt trời mọc.
Đi du học Nhật nên mang theo gì? Hành lý đi Nhật bao gồm những gì? Những vật dụng nào bị cấm mang đến Nhật? Hy vọng những Kinh nghiệm chuẩn bị hành lý đi du học Nhật dưới đây của Jellyfish sẽ giúp các bạn có sự chuẩn bị chu đáo, chính xác nhất.
KINH NGHIỆM CHUẨN BỊ HÀNH LÝ ĐI DU HỌC NHẬT BẢN
Mục lục
- 1. Nắm rõ quy định về hành lý của Hãng hàng không – Chuẩn bị hành lý đi Nhật
- 2. Hồ sơ, giấy tờ bắt buộc phải mang theo – Đi du học Nhật nên mang theo gì?
- 3. Kinh nghiệm chuẩn bị trang phục – hành lý đi Nhật
- 4. Checklist đồ chăm sóc, vệ sinh cá nhân có thế mang theo
- 5. Lựa chọn đồ dùng công nghệ nên mang theo tới Nhật
- 6. Đồ ăn, thức uống được phép mang theo đến Nhật
- 7. Những mẹo nhỏ nhưng “có võ”
1. Nắm rõ quy định về hành lý của Hãng hàng không – Chuẩn bị hành lý đi Nhật
Hành lý đi Nhật được mang theo khi bay gồm 2 loại:
- Hành lý ký gửi (Check-in Luggage): là hành lý đi cùng chuyến bay với bạn nhưng được để ở khoang hành ly riêng. Các kiện hành lý ký gửi sẽ được tiếp nhận và chuyển lên máy bay khi bạn làm thủ tục check-in tại sân bay.
- Hành lý xách tay (Carry-on Luggage): chỉ loại hành lý mà bạn được phép mang theo trong khoang hành khách của máy bay.
Quy định về kích cỡ, trọng lượng của mỗi loại hành lý sẽ phụ thuộc vào hãng hàng không và hạng vé của bạn. Thông thường, vấn đề phát sinh nhiều nhất khi làm thủ tục bay là cân nặng hành lý vượt quá trọng lượng cho phép. Bỏ bớt đồ lại thì vừa tiếc, vừa mất thời gian. Mua thêm hành lý thì chi phí phát sinh rất cao. Do vậy, các bạn hãy kiểm tra thật kỹ thông tin vé mình đã đặt và cũng tuyệt đối không mang tâm lý cầu may: “chỉ vượt 1,2kg thì có thể vẫn được làm thủ tục bay bình thường”.
Quy định hành lý đi Nhật Hạng Phổ thông (hạng vé du học sinh thường lựa chọn) của một số hãng bay có khai thác đường bay từ Việt Nam đến Nhật:
Hãng bay | Hành lý ký gửi | Hành lý xách tay |
Vietnam Airlines | – Trọng lượng tối đa: 46kg, chia thành 2 kiện, mỗi kiện không quá 23kg – Tổng kích thước 3 chiều (dài, rộng, cao) không được vượt quá 158cm/kiện |
– Trọng lượng tối đa: 10kg – Kích cỡ tối đa: 115cm (56cm x 36cm x 23cm) |
Vietjet Air | – Trọng lượng tối đa: 20kg – Kích cỡ tối đa của một kiện: 200cm x 119cm x 81 cm |
– Trọng lượng tối đa: 7kg – Kích cỡ tối đa: 115cm (56cm x 36cm x 23cm) |
Bamboo Airway | – Trọng lượng tối đa: 20kg – Kích cỡ tối đa: 3 chiều (dài + rộng + cao) không được vượt quá 203 cm/kiện |
– Trọng lượng tối đa: 10kg – Kích cỡ tối đa: 115cm (56cm x 36cm x 23cm) |
Japan Airlines | – Trọng lượng tối đa: 46kg, chia thành 2 kiện, mỗi kiện không quá 23kg – Tổng kích thước 3 chiều (dài, rộng, cao) không được vượt quá 203cm/kiện |
– Trọng lượng tối đa: 10kg – Kích cỡ tối đa: 115cm (56cm x 36cm x 23cm) |
ANA | – Trọng lượng tối đa: 46kg, chia thành 2 kiện, mỗi kiện không quá 23kg – Tổng kích thước 3 chiều (dài, rộng, cao) không được vượt quá 158cm/kiện |
– Trọng lượng tối đa: 10kg – Kích cỡ tối đa: 115cm (56cm x 36cm x 23cm) |
Lưu ý:
Trên đây là quy định cho hành lý miễn cước. Trong trường hợp hành lý vượt quá trọng lượng quy định nhưng bạn không muốn bỏ bớt đồ ra; bạn có thể mua thêm hành lý ký gửi khi đặt vé máy bay. Nhưng chi phí mua thêm hành lý tương đối cao,nên Jellyfish khuyên bạn nên cân đối tư trang để tận dụng hành lý được miễn cước; vì có rất nhiều vật dụng bạn có thể mua sau khi đến Nhật với giá rất rẻ.
Bạn có thể hỏi thêm kinh nghiệm về vấn đề này qua công ty tư vấn du học Nhật Bản nên đừng lo lắng quá nhé!
2. Hồ sơ, giấy tờ bắt buộc phải mang theo – Đi du học Nhật nên mang theo gì?
Tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân, các bạn có thể mang theo sách, truyện, tiểu thuyết,… nhưng bắt buộc phải mang theo những Giấy tờ cần thiết sau nhé:
– Hộ chiếu
– COE/Tư cách lưu trú
– COA/Giấy phép nhập học
– Tiền mặt: đây là “giấy tờ” hết sức quan trọng. Nếu được thì bạn nên mang tầm 150,000 ~ 200,000 yên để chi tiêu sinh hoạt trong thời gian đầu, trước khi có thể đi làm thêm.
Tìm hiểu ngay: Mức sinh hoạt phí hàng tháng của du học sinh Nhật Bản là bao nhiêu?
– Ảnh thẻ: chụp ảnh lấy ngay bên Nhật không rẻ, rơi vào khoảng 700 yên. Do đó bạn có thể chụp tại Việt Nam (khoảng 20 tấm ảnh 3×4 nền trắng). Ảnh phải chụp hết khuôn mặt; khuôn mặt nằm ở giữa ảnh và được lấy từ phần cổ vai trở lên. Tóc không được chạm vào mắt và tai.
– Vé máy bay: khi làm thủ tục check-in tại sân bay, bạn sẽ được phát thẻ lên máy bay (boarding pass). Bạn nhớ giữ cẩn thận để có thể lấy thông tin điền vào tờ khai hải quan khi nhập cảnh vào Nhật nhé.
– Vở, bút viết: bạn chỉ nên mang ít nhất một chiếc bút bi (để điền form ở sân bay nếu cần); một quyển sổ tay (để ghi chú ở sân bay); một quyển sổ viết (dùng trong những ngày đầu đi học). Còn lại, bạn có thể mua thêm ở các cửa hàng 100 yên khi đến Nhật. Tại đây có rất nhiều mẫu mã đẹp mà còn rẻ nữa.
Tất cả các giấy tờ mang theo đến Nhật đều rất quan trọng. Vì vậy, bạn nên cho vào một túi clear bag có khóa/nút bấm và để trong hành lý xách tay. Riêng Hộ chiếu và Thẻ lên máy bay thì bạn nên cho vào túi đeo chéo và nhớ là lúc nào cũng đeo trên người (trừ khi qua cổng kiểm tra an ninh) vì tần suất sử dụng chúng rất nhiều.
Những hồ sơ, giấy tờ không cần mang theo:
- Hồ sơ học tập (học bạ, bảng điểm ĐH,..), chứng minh thư
- Sổ hộ khẩu, giấy khai sinh
Những hồ sơ này nếu cần dùng tại Nhật thì chỉ yêu cầu bản scan nên gia đình bạn có thể scan và gửi qua được.
3. Kinh nghiệm chuẩn bị trang phục – hành lý đi Nhật
Vì hành lý ký gửi miễn cước khá nhiều nên bạn có thể chuẩn bị nhiều quần áo một chút; nhưng chỉ nên mang đủ trang phục phù hợp với mùa và thời tiết kỳ bạn nhập học thôi nhé.
– Quần áo ấm:
Với những bạn nhập học kỳ tháng 7 thì không cần mang theo quần áo ấm cũng được.
Với những bạn nhập học kỳ tháng 4: chỉ cần mang theo một vài chiếc áo khoác/len mỏng vì lúc này tại Nhật trời đã ấm hơn với nhiệt độ trung bình từ 18-21.
Với những bạn nhập học kỳ tháng 10 hay tháng 1: cần mang theo áo khoác/áo len dày để giữ ấm. Tuy nhiên, do nhiệt độ vào mùa đông ở Nhật có thể giảm rất sâu nên cần có các loại quần áo đặc thù. Thường quần áo ở Việt Nam mang sang sẽ không đủ để giữ ấm; trong khi giá các loại trang phục giữ ấm tại Nhật không đắt; nên các bạn có thể sang Nhật để mua thêm. Như vậy cũng giúp tiết kiệm hành lý nữa đấy.
Tìm hiểu thêm: Các kỳ Nhập học tại Nhật
– Áo thun, đồ lót, quần áo mỏng, trang phục mặc hằng ngày:
Cần mang đủ nhiều để có thể thay thường xuyên được trong khi chúng cũng không chiếm nhiều không gian.
– Bộ vest đen (với các bạn nam), bộ áo dài (với các bạn nữ):
Đây là trang phục rất cần thiết. Trong các buổi khai giảng hay tổng kết năm học; các bạn thường sẽ mặc vest, trang phục truyền thống của đất nước mình. Có sẵn một bộ vest hoặc áo dài thì các bạn không cần phải mua thêm hay may thêm khi sang Nhật. Chi phí may vest tại Nhật cũng rất là đắt.
– Vớ (tất):
Nếu còn thừa nhiều hành lý thì nên mang theo; nếu không thì bạn có thể mua tại các cửa hàng 100 yên sau khi đến Nhật cũng được.
– Giày dép:
Bạn có thể mang số lượng tùy vào trọng lượng hành lý còn trống của mình; nhưng nên mang theo một đôi dày da (với bạn nam); dày da đế cao 2-3 cm (với các bạn nữ) để phục vụ cho lễ khai giảng; và một đôi dép đi trong nhà để có thể sử dụng ngay ngày đầu đến Nhật.
Lưu ý: Nên mang đầy đủ trang phục và trang phục phải phù hợp với thời tiết kỳ nhập học mà bạn lựa chọn.
Tìm hiểu ngay: Đặc điểm thời tiết, khí hậu Nhật Bản
4. Checklist đồ chăm sóc, vệ sinh cá nhân có thế mang theo
Bạn nên mang đồ dùng cá nhân đủ dùng vì sẽ cần dùng luôn ngay khi đến Nhật (nhất là với những bạn phải cách ly sau khi nhập cảnh). Đồng thời, đồ dùng cá nhân ở siêu thị Nhật có rất nhiều chủng loại, lại có nhãn tiếng Nhật nên cũng có khả năng bạn sẽ mua nhầm nữa.
Đồ chăm sóc, vệ sinh cá nhân nên mang theo:
– Kem đánh răng, dầu gội, dầu xả: nên mang tuýp hay chai loại nhỏ nhất cho nhẹ và đỡ tốn chỗ.
– Bàn chải đánh răng, dụng cụ vệ sinh tai, kéo tỉa lông mũi, dao cạo râu: mang theo mỗi thứ 1 cái.
– Khăn tắm, khăn mặt: mỗi loại 1 chiếc.
– Băng vệ sinh: chỉ nên mang số lượng đủ dùng cho tháng đầu tiên sau khi đến Nhật.
– Các đồ vệ sinh thân thể mà bạn thường dùng: nên mang theo lượng đủ dùng 1 ~ 2 tuần (thời gian làm quen cuộc sống mới).
– Thuốc, đồ dùng sức khỏe: nên mang theo thuốc cảm cúm; thuốc tiêu hóa; dị ứng; ho; sốt mà bạn thường dùng với số lượng vừa phải (đủ dùng trong 2 – 3 tháng là được). Với những bạn có bệnh lý đặc biệt, việc chuẩn bị thuốc lại càng quan trọng hơn.
Lưu ý: Không nên mang gương, móc áo, xi đánh giày, xà bông,.. vì ở Nhật những mặt hàng này rất nhiều và chi phí cũng rẻ hơn Việt Nam.
5. Lựa chọn đồ dùng công nghệ nên mang theo tới Nhật
– Máy tính xách tay: nếu máy tính bạn vẫn dùng được tốt thì nên mang theo; vì điện máy tính là 100 – 240V nên có thể sạc điện tại Nhật (ở Nhật dùng điện 100V).
– Điện thoại: băng tần điện thoại Nhật Bản và Việt Nam khác nhau, nên muốn gọi được về Việt Nam thì bạn cần thực hiện chuyển vùng quốc tế ở Việt Nam. Ngoài ra, bạn có thể dùng để báo thức hay vào wifi để liên hệ về gia đình khi mới sang. Do không quá cấp thiết vì sau khi sang Nhật; bạn sẽ đăng ký sim điện thoại và được phát kèm điện thoại; nên việc mang theo điện thoại từ VN sang bạn có thể tự cân nhắc.
– Ổ chuyển đổi chân phích cắm điện: Ổ cắm điện ở Nhật là thuộc loại chân dẹt và là loại A (Type A), hai chân dẹt nhưng thẳng hàng với nhau (khác ở Việt Nam là hai chân tròn). Đặc biệt, phích cắm và ổ cắm bên Nhật sẽ không có chân thứ 3 tức là dây tiếp đất. Bạn nên mua một ổ chuyển đổi chân cắm ở Việt Nam, phòng trường hợp cần dùng luôn.
6. Đồ ăn, thức uống được phép mang theo đến Nhật
Đây chắc hẳn là nội dung các bạn quan tâm nhiều nhất.
– Với đồ ăn
Rất nhiều bạn khi bay sang Nhật sẽ cố gắng mang thật nhiều mì ăn liền hoặc các loại thực phẩm chế biến sẵn khác. Tuy nhiên điều này cũng không quá cần thiết; vì thực phẩm tại Nhật cũng có nét tương đồng với thực phẩm Việt Nam mà bạn cũng có thể mua nhiều ở các siêu thị; cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, gần đây, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản cũng có nhiều quy định chặt chẽ hơn; cấm nhiều mặt hàng thực phẩm khi nhập cảnh.
Cụ thể: từ ngày 01/03/2020, Nhật Bản cấm tất cả các loại thực phẩm, thức ăn, rau củ nhập cảnh nếu chưa được kiểm dịch. Bao gồm:
- Tất cả các loại trái cây tươi và khô dưới mọi hình thức.
- Tất cả các loại rau củ quả tươi sống như: Hành, tỏi, ớt,…
- Tất cả các loại thịt, thủy sản (như trà bông, xúc xích, tôm, các sấy khô dưới mọi hình thức)
- Tất cả các loại rau củ quả, hoa, chậu hoa tỉa cảnh hoặc cả chậu hoa có đất,…
- Nghiêm cấm mọi hành vi cầm tiền và hành lý giúp người khác.
- Tuyệt đối không tiếp xúc với gia súc, gia cầm, chuồng trại (Heo, gà, vịt, bò,…) trước và sau khi đến Nhật Bản.
Nếu vi phạm, mức phạt lên đến 1 triệu yên (~ 200 triệu VNĐ); bị phạt tù lên tới 3 năm hoặc cấm nhập cảnh vào Nhật vĩnh viễn.
– Với đồ uống
Không nên mang theo vì bên Nhật đồ uống chất lượng rất cao và giá rất rẻ (1 lít nước cam hay táo là 100 yên, 1 lít sữa là 100 yên, rẻ gấp 2 – 3 lần giá cả tại Việt Nam). Ngoài ra; kể từ ngày 01/05/2016; Chính phủ Nhật Bản đã nghiêm cấm tuyệt đối khách nhập cảnh không được mang theo bất kỳ chất lỏng gì; ngoài các chất sau:
- Thuốc chữa bệnh (Ghi rõ họ tên, địa chỉ của bác sĩ và hành khách)
- Sữa, đồ ăn cho trẻ sơ sinh (Có trẻ sơ sinh cùng đi)
- Các loại đồ uống, rượu, nước hoa, mỹ phẩm,… mua tại các cửa hàng trong sân bay
Dựa trên những quy định hiện hành và tính hợp lý khi sắp xếp hành lý đến Nhật; Jellyfish khuyên bạn chỉ nên mang theo mì ăn liền (nếu muốn tiết kiệm tiền) để trong hành lý ký gửi và 1 chai nước suối cầm tay để uống nếu khát trước khi lên máy bay. Còn lại, không được mang theo bất kỳ đồ ăn nào khác. Kể cả trong thời gian cách ly, bạn cũng được phục vụ 3 bữa ăn/ngày. Sau khi hết cách ly, bạn có thể dễ dàng mua thực phẩm ở các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi.
Xem thêm: Cập nhật mới nhất về quy định, thủ tục nhập cảnh vào Nhật Bản
7. Những mẹo nhỏ nhưng “có võ”
Nhìn chung, du học là một hành trình dài mà bạn xa gia đình và phải sống tự lập. Do vậy, thường thì người thân hoặc chính bạn luôn có xu hướng muốn mang theo nhiều đồ nhất có thể. Những mẹo nhỏ dưới đây có thể giúp ích phần nào cho bạn.
– Xếp đồ nặng ở dưới, đồ nhẹ lên trên:
Nếu bạn đặt những đồ vật có trọng lượng nặng như túi đựng cả đống mỹ phẩm; giày dép ở phía trên của vali thì sẽ khiến trọng tâm phía dưới của vali dễ bị đổ và tất cả hành lý đã được sắp xếp cẩn thận bị xộc xệch. Thay vào đó; nên xếp những món đồ nặng ở phía dưới; đồ nhẹ ở phía trên của vali để trọng tâm tổng thể của đồ đạc được cân bằng. Bên cạnh đó; thay vì xếp chồng những đôi giày vào vali thì bạn nên đặt ở phía cạnh của vali để tiết kiệm tối đa không gian.
– Không mang theo ô dù bạn đến Nhật vào mùa mưa:
Hành trình từ khi làm thủ tục bay cho đến khi về KTX/ khách sạn để cách ly của bạn sẽ hoàn toàn khép kín trong nhà và trên xe. Một chiếc ô không tốn nhiều trọng lượng; nhưng bớt được 1, 2 vật dụng không cần thiết như vậy; bạn sẽ bất ngờ với khoảng trống trong hành lý của bạn đấy nhé.
– Mang mỹ phẩm dạng mini size (đặc biệt hữu ích dành cho các bạn nữ):
Bạn có thể tối giản hành lý khi du lịch bằng cách mang theo mỹ phẩm dạng mini size (dạng nhỏ) thay vì cả bộ mỹ phẩm full size (cỡ lớn) mà bạn đang dùng ở nhà. Nếu không có bộ mỹ phẩm dạng nhỏ thì bạn có thể mua bộ chiết mỹ phẩm du lịch rồi chia mỹ phẩm vào các chai nhỏ; dãn nhán ghi ở ngoài đâu là sữa rửa mặt; serum; kem dưỡng rồi cho tất cả vào một túi zip nhỏ sẽ gọn hơn rất nhiều. Hoặc bạn có thể tự chế hộp đựng mỹ phẩm dùng một lần bằng ống hút trong dạng mềm hoặc từ găng tay nilon dùng một lần; dùng bàn ủi hoặc máy ép tóc để bọc kín hai đầu.
– Cuộn tròn quần áo lại:
Khi cho quần áo vào trong vali; thay vì gấp đôi lại và xếp chồng lên nhau thì bạn nên cuộn tròn chúng lại để tối giản hành lý khi du lịch. Ví dụ như áo phông, quần, váy thì nên bạn cuộn từ dưới lên trên theo hình tròn sẽ giảm được khối lượng quần áo và giúp quần áo không bị nhăn. Với các bạn nam; có thể giữ cho cổ áo sơ mi không bị gấp hoặc nhàu bằng cách cuộn tròn thắt lưng lại và đặt vào phần cổ áo; áo vest thì lộn phần bên trong ra ngoài để áo không bị nhăn.
– Dùng túi hút chân không đựng quần áo:
Quần áo chiếm rất nhiều không gian trong vali khi đi du lịch. Đặc biệt là quần áo mùa đông rất dày nên bạn chỉ cần bỏ một hoặc hai chiếc vào là vali đầy ắp. Nên nếu có điều kiện; bạn có thể sử dụng túi hút chân không đựng quần áo để tối giản hành lý nhất. Túi hút chân không có thể giảm tới 60% khối lượng quần áo bạn mang theo.
– Đựng thuốc vào túi nhỏ thay vì hộp
Nếu các loại thuốc cần dùng cho các tình huống khẩn cấp như thuốc đau đầu; thuốc tiêu hóa đóng gói trong hộp cũng sẽ chiếm nhiều không gian của vali. Thay vào đó, bạn nên bỏ hộp đi, cho thuốc vào túi nhựa nhỏ và ghi tên từng loại thuốc ngoài túi.
Với những chia sẻ kinh nghiệm trên đây của Jellyfish sẽ hữu ích với bạn. Cẽ không thể tránh khỏi những lo lắng hay hồi hộp trước một chuyến đi xa, một hành trình dài hơi. Nhưng chắc chắn rằng, một hành trang hợp lý và đầy đủ sẽ giúp bạn đặt chân đến Nhật với tất cả sự tự tin.
Jellyfish chúc bạn có một chuyến bay an toàn và một hành trình đến Nhật thật nhiều may mắn!
Các thông tin có thể hữu ích với bạn:
Để nhận thêm thông tin về du học Nhật Bản, các bạn vui lòng liên hệ:
👉👉 Jellyfish Việt Nam – Du học trọn uy tín, chọn Jellyfish
✦ Hotline: 096 110 6466
✦ Trụ sở chính: Tầng 13, tòa nhà CMC, 11 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội
✦ Văn phòng chi nhánh: Tầng 2, SH5.11 Vinhomes Marina, Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
✦ Trụ sở tại Nhật: 4F Westhill Building, Nishigotanda 2-24-4, Shinagawa, Tokyo, Japan