“Không được ăn cắp”, “Ăn cắp là hành vi xấu sẽ bị cảnh sát bắt”– Đó là những tấm biển báo bằng hai thứ tiếng song ngữ Nhật – Việt mà tại một số những siêu thị, khu thương mại… người ta thường sử dụng. Ngại ngùng, bẽ bàng có lẽ sẽ là tâm lý chung của đại đa số người Việt khi nhìn thấy những tấm biển như vậy. Nhưng có lẽ cũng không phải là điều khó hiểu khi đây thật sự đã trở thành một vấn nạn trong cộng đồng người Việt tại Nhật.
1. Thực trạng đáng buồn tại nước Nhật
Những vụ án về tội ăn cắp vặt của người Viêt ngày càng gia tăng. Hình ảnh của người Việt trong mắt người Nhật cũng vì vậy mà ngày càng xấu đi, trở nên kém thiện cảm hơn. Những món đồ ăn cắp từ những đôi giày, túi xách cao cấp có giá từ 10 triệu đến 20 triệu; đồ mỹ phẩm thông dụng như son, phấn, kem dưỡng da, nước hoa; đến những túi thịt lợn có giá chỉ khoảng… 50 nghìn đồng.
2. Giải mã tại sao lại xuất hiện thói ăn cắp vặt tại Nhật Bản ở một bộ phận người Việt?
Chắc hẳn sẽ có không ít người nước ngoài, trong đó có các công dân Việt như chúng ta băn khoăn: “Phải chăng chi phí sinh hoạt ở Nhật rất cao, giá cả quá đắt đỏ mới dẫn đến tình trạng trên?” Nhưng thực ra câu trả lời không như vây. Chi phí sinh hoạt tại Nhật không quá cao. Hai thứ chi phí tốn kém nhất là phí thuê nhà ở và đi lại. Còn chi phí đồ dùng sinh hoạt, đồ ăn thức uống hoàn toàn có thể vừa vặn với “túi tiền” của từng du học sinh nếu chi tiêu phù hợp.
Trở lại với các ví dụ ở phần trên, một đôi giày 10 triệu đến 20 triệu thực ra là quá cao so với ngay cả nhiều người Nhật. Ở Nhật ngoài những mặt hàng cao cấp trên còn có rất nhiều những mặt hàng bình dân mà mỗi người Việt Nam đều có thể mua được. Ví dụ một chiếc áo sơ mi thông thường có giá khoảng 500, 600 nghìn đồng Việt Nam. Ở thời điểm sale vào giữa hoặc cuối năm thì giá chiếc áo sơ mi trên chỉ còn khoảng một nửa, tương đương với một chiếc bình thường tại Việt Nam. Đối với thực phẩm, một gói thịt lợn đủ cho bữa ăn sẽ từ 50, 60 nghìn đồng. Các thực phẩm khác như thịt bò hay rau, củ quả cũng có loại đắt loại rẻ. Nhưng nếu trong 1 tuần, ngay cả khi bạn sống tại Tokyo thì nếu ăn uống tại gia đình cũng sẽ chỉ mất tối đa 10 nghìn yên ( khoảng hơn 2 triệu đồng Việt Nam).
Vì vậy, với mức sống trên thì số tiền đi làm của một du học sinh – theo đúng quy định của luật pháp Nhật 28 tiếng/tuần là đủ sống chứ không thể đến nỗi cùng cực. Cho nên chỉ có thể lý giải cho hành động đó xuất phát từ việc tính tự giác và việc đề cao tính trung thực ở Nhật rất cao; nhưng lại là sơ hở đối với những cá nhân ý thức kém.
Các siêu thị ở Nhật không bắt gửi túi xách, đồ cá nhân đã “tạo điều kiện” cho các hành vi xấu diễn ra. Người ăn cắp được 1 lần, 2 lần không bị bắt, không bị phát giác sẽ lặp lại hành động trên nhiều lần. Rồi dần dà trở thành thói ăn cắp vặt. Một người, hai người thực hiện trót lọt hành vi trên sẽ là “gương xấu” cho những người tiếp theo mắc lỗi. Dần dần nó đã trở thành một chuỗi hậu quả nghiêm trọng nhưng lại kéo dài “âm ỉ”.
3. Bài học từ cách sống của người Nhật và suy ngẫm về hệ lụy trên
Trộm cắp vặt ở bất kỳ đất nước nào cũng là một hành vi tồi tệ khủng khiếp. Chắc hẳn rằng chúng ta vẫn nhớ những dư chấn của trận động đất sóng thần năm 2011. Hàng trăm nghìn người Nhật đau khổ cùng cực thế nào không ai là không biết. Nhưng tuyệt nhiên không có tình trạng hôi của, trộm cắp. Qua đó, có thể thấy rằng từ “ăn cắp” gần như không có trong từ điển của họ.
Người Nhật luôn tôn trọng văn hóa hướng đến cộng đồng. Bất kỳ một hành vi phạm tội nào, trong đó có ăn cắp, được coi như tổn hại nghiêm trọng đến cộng đồng. Có lẽ cũng chính vì tâm lý đó mà nước Nhật nằm trong nhóm nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới. Vì vậy có thể thấy thấy rằng, những hành vi ăn cắp của một bộ phận người Việt Nam trên đất nước Nhật bị coi là vô cùng nghiêm trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến cách nhìn nhận, đánh giá chung về người Việt Nam.
Không chỉ để lại hậu quả những du học sinh phạm tội bị trục xuất, dẫn độ về nước. Và thường những người rời khỏi nước Nhật với lý do trên sẽ không còn cơ hội quay lại Nhật trong tương lai. Nhưng hệ lụy lâu dài mà thói ăn cắp vặt tại Nhật Bản mà mỗi du học sinh hiên nay đều biết; là Cục quản lý xuất nhập cảnh đang ngày càng thắt chặt và nghiêm ngặt hơn việc xét duyệt hồ sơ với các du học sinh Việt muốn sang Nhật du học.
Vì thế có cơ sở để lo ngại rằng phải chăng nếu không có sự ngăn chặn hay ít nhất giảm thiểu tình trạng trên thì sẽ làm ảnh hưởng đến các du học sinh Việt trong tương lai?
Hãy để lại ý kiến của bạn về vấn đề này nhé!
Xem thêm: Bạn có biết Nhật Bản có 10 thứ miễn phí sau đây?
Jellyfish Education Vietnam – Hotline: 096.110.6466
Trụ sở chính: Tầng 13, tòa nhà CMC, 11 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội
Văn phòng chi nhánh: Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh